• 0348 120 553

Lãng phí nếu quay lại dùng một bộ sách giáo khoa

Lãng phí nếu quay lại dùng một bộ sách giáo khoa

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói không thể quay lại dùng một bộ sách giáo khoa vào lúc này bởi sẽ lãng phí và khó đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) từ năm học 2020-2021. Hiện, chương trình được áp dụng với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Tháng 9 năm nay, đến lượt khối 4, 8, 11 và đến năm 2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới.

Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song, với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", bỏ độc quyền xuất bản.

Dù đã đi được hơn nửa chặng đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn nhận được một số ý kiến về việc "có nên tiếp tục một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa nữa không". Nhiều người cũng lo ngại việc sử dụng nhiều bộ sách dẫn đến sự thiếu thống nhất trong dạy và học trên phạm vi cả nước.

Chia sẻ tại hội nghị Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 9/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng không thể quay lại chương trình sử dụng một bộ sách giáo khoa ở thời điểm này.

Ở góc độ kinh tế, với 12 triệu học sinh, 9 khối lớp đã sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu mới theo chương trình 2018, hàng trăm triệu bản sách đã được xuất bản.

"Nếu quay lại chỉ một bộ sách giáo khoa, xã hội sẽ thiệt hại hàng chục nghìn tỷ cho hệ thống sách giáo khoa đã được xuất bản trong những năm tháng vừa qua", ông Sơn nói. Sự lãng phí còn ở chỗ nhiều cá nhân, tập thể hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đã bỏ tiền của, công sức, trí tuệ để biên soạn sách.

 

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ông Sơn cho biết chương trình giáo dục phổ thông mới mang tính pháp lệnh, được thống nhất trong cả nước. Sách giáo khoa chỉ là học liệu, công cụ để truyền đạt nội dung chương trình chứ không còn là căn cứ duy nhất để dạy, học, kiểm tra, đánh giá như trước đây.

Trên thế giới, nhiều nước cũng sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa như Việt Nam. Ông Sơn ví dụ, Ấn Độ có 7 hệ thống sách giáo khoa, Nam Phi có 16, Trung Quốc có 5 bộ sách giáo khoa cho các môn Khoa học tự nhiên. Còn tại Mỹ, mỗi tiểu bang chọn sách giáo khoa riêng.

Việt Nam hiện có ba bộ sách giáo khoa lớn và một số cuốn sách nhỏ lẻ. Ông Sơn đánh giá điều này tạo ra sự thay đổi lớn, cho phép giáo viên, nhà trường chủ động chọn tư liệu, sáng tạo trong giảng dạy nhưng vẫn hướng đến chuẩn chung theo chương trình.

Trong khi đó, để cạnh tranh, các đơn vị phải phát huy sáng tạo để bộ sách của mình tốt nhất, hấp dẫn nhất nên chất lượng sách giáo khoa cũng tốt hơn. Đến nay, hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Triển khai một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa cũng tạo điều kiện thay đổi phương pháp dạy và học, hoạt động của nhà giáo. Ông Sơn phân tích với chương trình cũ, giáo viên là người truyền thụ, kiểm tra, đánh giá kiến thức là chính. Còn ở chương trình mới, giáo viên là người tổ chức, định hướng, hỗ trợ. Vai trò giáo viên thay đổi theo hướng tăng cường sáng tạo, chủ động.

Người đứng đầu ngành Giáo dục cho rằng khi chương trình đã đi nửa chặng đường, việc thay đổi, quay lại thực hiện một bộ sách giáo khoa đồng nghĩa "đi ngược lại tinh thần, triết lý mở, tự do, chủ động, sáng tạo mà chương trình mới đang đặt ra".

Ông ví việc đổi mới lần này là cuộc cách mạng trong giáo dục. "Cách mạng 100% vui vẻ, tất cả đều thấy nhẹ nhàng, không ai lăn tăn gì thì không phải là cách mạng", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, giáo dục rất khó nhìn ngay thấy kết quả mà cần thời gian. Đến năm 2025 khi đã hoàn thành việc triển khai chương trình mới với tất cả khối lớp, xã hội sẽ có căn cứ đánh giá một cách thấu đáo.

 

Sách giáo khoa lớp 3 mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Ảnh: NXBGDVN

Chủ trương xây dựng một chương trình thống nhất, linh hoạt và xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, mỗi môn học có một số sách giáo khoa được nêu trong Nghị quyết 88 cuối năm 2014 của Quốc hội. Đến năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình mới, thẩm định sách từ 2019 và đưa vào thực hiện từ 2020. Đến nay, 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách, ba công ty cổ phần khác chỉ tham gia biên soạn.

Tuy nhiên, giá sách cao gấp 2-3 lần so với bộ cũ khiếu nhiều người lo lãng phí, ảnh hưởng đến các gia đình và học sinh nghèo. Ngoài ra, việc các trường học lựa chọn nhiều bộ sách khiến phụ huynh vất vả tìm mua sách cho con.

Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa cũng gây tranh cãi trên diễn đàn quốc hội từ 2019 đến nay. Nhiều đại biểu lo ngại việc này dẫn đến khó khăn khi thi cử, nhưng cũng có người cho rằng đây là xu thế quốc tế.

Cuối năm ngoái, cử tri Bắc Giang đề nghị xem xét lại việc in ấn sách giáo khoa. Theo đó, cử tri cho rằng mỗi trường chọn một loại sách nên khi chuyển trường học sinh sẽ rất khó khăn vì chương trình không giống nhau, bài tập cho học sinh làm trực tiếp vào sách nên năm sau không sử dụng được dù vẫn còn mới, gây lãng phí. Nội dung tương tự cũng được cử tri Lâm Đồng và một số địa phương khác phản ánh.

Nguồn: VnExpress

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT

Tin tức liên quan